CHƯƠNG 5

 

Trung Thành Với Lề Luật

Lòng trung thành giữ luật nơi Chị cũng lớn lao như chính lòng Chị say mến Lề Luật và Hiến Pháp của Dòng vậy.

Chị nói: “Chúng ta thật sung sướng vì chỉ thực hành theo những điều các vị Cải tổ phải dày công thiết lập”. Cũng thế, Chị không thể chịu được khi thấy ai than vãn về những điều luật đã ghi.

Chị dạy chúng tôi rằng: “Trong Dòng, mỗi người phải cố gắng tự túc. Nếu không cần thiết thì không nên nhờ kẻ khác.

Để sống mức độ trung dung, khi người ta nghĩ mình có thể chuẩn chước công việc chung hay được hưởng một ngoại lệ nào, thì chị khuyên hãy tự nhủ: Nếu mỗi người đều làm thế? Thì kết quả là vô trật tự, vì ai nấy đều có đủ lý do biện minh cho mình, nào là bận rộn trăm công nghìn việc để tự chước cho mình những công việc chung”.

Cố gắng để ít khi vắng mặt trong các giờ chung của nhà Dòng, như các giờ Kinh Nhật Tụng, suy nguyện, giờ chơi… Đó là điều chị luôn nhắn nhủ chị em nhà Tập. Chị nói: “Có những người viện lẽ này lẽ nọ, lấy lý trung thành với phận sự để rút vắn thời giờ luật Dòng và phép nhà dạy. Làm thế là đánh cắp thời giờ quý báu của Chúa!”.

Chị đã để lại cho chúng tôi một gương sáng: Khi nghe chuông điểm lần thứ nhất, Chị liền ngưng ngay mọi công việc, dù đang đọc dở một tiếng hay đang may một mũi kim. Khi đến phiên Chị rung chuông, tôi thấy Chị lúc nào cũng nghỉ chơi trước 7 phút như thói quen trong Dòng. Chị sẵn sàng bỏ dở dù đang giữa câu chuyện thật lý thú. Cứ tiếp tục mãi như vậy thì đây là một thái độ phải hy sinh rất nhiều.

Để khỏi vắng mặt trong giờ Kinh Mai (Matines) hay trong những giờ khác, Chị đã tập được những nhân đức thật đáng công. Khi còn là thỉnh sinh hay tập sinh, dù đau yếu Chị cũng không hề nói ra, trừ khi Mẹ Bề trên truyền Chị nói, vì trong mọi hoàn cảnh Chị chỉ nhận sự giúp đỡ cũng như an ủi khi người khác tự tình ngỏ ý chứ không bao giờ Chị phiền hà
trước. Trái lại, Chị tỏ ra can đảm khi phải đau khổ để che giấu nỗi khó chịu trong mình.

Nhiều lần Chị dự Kinh Nhật Tụng với cộng đoàn trong khi đau dạ dày. Lắm lúc đau đớn đến nỗi Chị không tin mình có thể dự kết được giờ Kinh. Nhưng Chị tỏ ra rất cương nghị, tự nhủ: “Nếu tôi ngã xuống, các chị em khác sẽ thấy!”.
Chị tâm sự với tôi là câu đó giúp Chị rất nhiều, nhất là ngày mới vào Dòng…

Khi chuông kết thúc một giờ nào và tôi không mau lẹ bỏ công việc, thì Chị bảo: “Chị hãy thi hành chu đáo bổn phận chứ đừng theo ý riêng mình…”.

 

Vâng Lời

Đức vâng lời nơi Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bao trùm mọi lãnh vực. Chị nói với tôi: “Chúng ta đừng quá dễ dãi với mình trong đời sống hằng ngày. Vì muốn tử đạo thì chúng ta phải dùng những dụng cụ có sẵn và làm cho cuộc sống tu trì của chúng ta thành tử đạo”.

Chị đã thi hành lời khuyên trên cách chặt chẽ sát từng chữ. Các Bề trên cần chú ý tới những gì các ngài nói trước mặt Chị, vì một lời khuyên đối với Chị là một mệnh lệnh, Chị không phải chỉ giữ lời đó một ngày hay nửa tháng mà là mãi mãi.

Chính trong tinh thần đó mà tôi thấy Chị giữ gìn từng điều nhỏ nhặt, tỉ dụ như đóng chiếc cửa kia lại, không đi qua lối này, hay tránh băng qua ca đài… và hàng ngàn lời khuyên khác thuộc loại này mà Mẹ Bề trên Marie de Gonzague chỉ để ý tới trong ít ngày thôi, Mẹ đâu có ngờ đối với tâm hồn trung tín này thì mọi lời nói đều là những lời “sấm” và Chị chu toàn lời Mẹ dạy như là biểu hiệu rõ ràng ý Chúa vậy.

Khi còn ở Nhà tập, chị Marie des Angès làm Bề trên Tập viện, truyền Chị phải báo cáo bệnh tình mỗi khi thấy đau dạ dày.

Vì ngày nào cũng đau nên Chị tưởng hàng ngày phải trình lại.

Còn chị Marie des Angès thì lại quên nên kêu lên: “Chị nhỏ này chỉ cứ than phiền hoài”. Têrêsa chịu đựng không một lời chữa lỗi. Chị còn vâng lời từng chị em một, không bao giờ theo ý riêng. Chị luôn luôn hy sinh trong mọi trường hợp. Ngày kia cả nhà tụ họp trong một nơi riêng dành để hát ca ngợi, khi đó Chị quá mệt vì bệnh đang hành hạ, nên đành ngồi xuống thì một chị liền làm hiệu cho Chị đứng dậy. Chị liền niềm nở đứng dậy ngay. Sau buổi hội, tôi hỏi Chị sao lại vâng lời mù quáng như thế? Chị thẳng thắn trả lời tôi rằng “trong những việc nhỏ nhặt, Chị có thói quen vâng lời tất cả, vâng lời từng người với tinh thần đức tin như thể chính Chúa tỏ cho Chị biết thánh ý Người vậy”.

Tôi đã hăng hái nói lại một chị trách móc tôi, vì tôi cho rằng mình không đáng chịu trách như thế: “Chị ấy không có nhiệm vụ, việc đó không liên quan gì tới chị ta cả!”. Chị Têrêsa đáp lại tôi: “Đúng thế nhưng Chúa Giêsu không bảo:
‘Hãy chỉ vâng lời các Bề trên chúng con thôi mà Ngài phán: Hãy cho bất cứ ai xin chúng con’ 86 và ‘con hãy đi một ngàn bước với kẻ muốn ép con đi với họ một trăm bước’” 87. Ít lâu trước khi từ trần, Chị Têrêsa nói với Mẹ Agnès de Jésus trước mặt tôi: “Con có đôi lời xin thưa cùng Mẹ: Các Bề trên nên khuyên các chị y tá bắt buộc bệnh nhân xin tất cả những gì họ cần. Điều đó rất hệ trọng, thưa Mẹ…”88. Chị cũng nói điều đó với cả tôi nữa vì tôi đang giữ nhiệm vụ ý tá này. Chúng tôi đoán rằng Chị đã nói theo kinh nghiệm bản thân. Chị đã từ bỏ biết bao nhiêu! Bây giờ thì đã muộn rồi, làm sao sửa chữa nổi? Những hy sinh đó là những kho tàng bí ẩn của Chúa, vì ngay khi chúng tôi tìm cách làm Chị bớt đau khổ, thì đã lại làm Chị đau khổ. Có một chị y tá lớn tuổi hơi nghễnh ngãng, tưởng Têrêsa lạnh lắm, nên lấy chăn trùm kín từ đầu trở xuống trong khi Chị đang nóng như thiêu như đốt! Vì không thấy Têrêsa phản kháng, Chị đi lấy thêm chăn trùm lên. Têrêsa cứ để mặc chị làm. Lúc tôi tới, thì ôi thôi toàn thân mình ướt đẫm mồ hôi! Tươi cười Chị kể cho tôi nghe câu chuyện độc đáo trên mà không hề bất mãn. Chị nói với tôi là “chị vui lòng nhận lãnh tất cả với tinh thần vâng lời chị y tá trưởng”.

 

Đừng làm gì khi không có phép

Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu khuyên chúng tôi cần luôn trung thành xin phép mỗi khi có việc riêng.

Chị nói với tôi: “Phần em, nếu ngày thứ bảy em quên xin phép hay lúc nào có thể xin phép được mà không nghĩ tới thì em thà hy sinh điều cần thiết đi còn hơn là tự ý mình làm89.

Em rất áy náy và bận tâm khi phải làm điều gì không có phép Mẹ Bề trên. Chúa không cho phép Mẹ truyền cho em viết những bài thơ em vừa cảm hứng được và em cũng không muốn xin phép Mẹ, sợ trái với đức nghèo khó. Em nán đợi đến giờ tự do ban chiều và thật là khó khăn khi đã tám giờ tối mới được nặn óc để nhớ lại những vần thơ đã nghĩ từ ban sáng. Những việc nhỏ nhặt này là những hành vi tử đạo, một sự tử đạo đích thực. Nhưng phải cẩn thận đừng làm giảm giá trị bằng cách tự cho phép mình hàng ngàn sự dễ dãi, làm đời sống tu trì thành dễ chịu và tiện nghi hơn. Đừng thả lòng cho mình được tự do”90.

Chị vào Dòng hồi 15 tuổi, khi đó chữ Chị viết xấu làm Mẹ Agnès de Jésus không được hài lòng.

Têrêsa xin phép viết chữ nghiêng về phía tả vì Chị thấy dễ viết hơn nhưng không được. Chị sẵn sàng vâng lời. Mãi tới năm 1894 Chị mới được phép như lòng sở nguyện.

 

Hoà mình theo tập tục có sẵn

Mặc dù Chị khuyên chúng tôi nên làm tất cả mọi việc cách hoàn hảo nhất theo có thể, Chị cũng nghĩ rằng không nên cố gắng hành động tốt hơn các chị em khác nhiều quá, mà phải hoà mình theo tập tục trong Dòng, vì lòng nhiệt thành thì tốt nhưng nếu thiếu tế nhị kín đáo có thể phương hại đến chính mình và kẻ
khác.

Chị bảo tôi: “Chẳng hạn như vì tĩnh tâm nên chị được miễn công việc chung, mà nếu chị thấy đồ phơi trên tầng sát nóc, chị đừng xen vào công việc đó nữa. Tuy nếu làm thì là việc bác ái, nhưng tốt hơn là nên tránh đừng làm vì khi chị làm theo nhiệt tâm như thế, thì việc đó có thể gây mệt nhọc cho chính chị và mệt nhọc cả đến chị em khác vì họ tưởng bó buộc phải theo gương chị và nếu không làm như thế là từ chối ơn Chúa.

Hay nếu người ta xin một chị giúp việc gì không phải nhiệm vụ, chị đó phải thích nghi với điều đã chỉ định, ngay cả khi chị quan niệm công việc một cách hoàn toàn hơn, vì ta liều mình làm phật lòng những người hữu trách, người đó có thể có các lý do để hành động khác mà ta chưa biết.

Thực ra công việc phải thi hành liên tục gây khó nhọc nhiều hơn. Nên thực tế mà nói, ta chỉ nên nhận lãnh những gì ta tưởng có thể theo đuổi cách bền bỉ”.

 

Nghèo Khó

Có chị hỏi mượn tôi tập thơ trong đó tôi chép các bài thơ vào từng tờ rời. Tôi tỏ vẻ không vui ấy. Tôi nghĩ: “Có lẽ tốt hơn là phải chép vào một quyển vở như các chị em khác thường làm, để ít ra không dễ dàng bị thất lạc”.

Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhìn tôi với dáng điệu trách móc: “Chị phải sung sướng khi gặp dịp tốt để tập từ bỏ, không những chị phải cho mượn cách vui vẻ mà còn phải làm thế nào cho người khác thích mượn. Chị ước muốn làm thật nhiều việc thiện cho các linh hồn trong lúc sáng tác bài thơ đó, vậy không những chị phải vui sướng cho mượn mà còn làm việc đó với ý hướng tông đồ nữa. Người ta kể Thánh Louis de Gonzague không bao giờ đòi lại vật gì cho người khác mượn đểgiữ tinh thần nghèo khó”.

Lần khác Chị bảo tôi: “Thỉnh thoảng chị phàn nàn người ta lục tung rổ đựng đồ của chị làm mất vật này vật nọ, chị nên bằng lòng như vậy và tự nhủ: ‘tôi nghèo nàn, vậy tất nhiên là tôi thiếu cái này cái nọ. Họ lấy đồ đạc của tôi là thậm phải vì chính chúng cũng không thuộc về tôi kia mà!’”.

Người ta hỏi xin tôi một cây kim đối với tôi thật tiện lợi, tôi tỏ vẻ tiếc rẻ. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo tôi:

“Ồ! Chị giàu quá! Chị không thể hạnh phúc được…

Em nhận thấy nhiều lúc người ta ban phát khá rộng rãi, nhưng ít linh hồn chịu để người ta lấy những của thuộc về mình. Đó là điều thật khó thi hành. Dầu vậy nên nhớ lời Phúc Âm: ‘Nếu người ta lấy vật gì thuộc về con, con đừng đòi lại’”91.

Khi Chị bệnh, tôi bảo Chị:

- Em mong Chị cho em tấm ảnh này làm kỷ niện để nhớ Chị.

- A! Chị còn những ước vọng!… Khi em được ở cùng Chúa nhân lành, chị đừng xin em điều gì thuộc về riêng em cả. Chị chỉ nên lấy cái mà người ta cho chị thôi. Hành động khác đi sẽ không phải là từ bỏ hết mọi sự, và thay vì làm cho mình sung sướng thì chị sẽ khổ sở. Chỉ ở trên trời chúng ta mới có quyền chiếm hữu mà thôi…

Sau khi qua đời ít lâu, một trong các chị em bảo tôi lo liệu sao để có một kỷ vật của người em yêu quý. Tôi cầu hỏi Chị: “Em phải làm sao đây?” Và mở Phúc Âm ra để tìm lời giải đáp: “Như người lên đường lữ hành bỏ nhà cửa và trao quyền hành cho đầy tớ mình”.92

Vì tình yêu mến Chúa, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ thích giữ lại cho mình những đồ vật xấu xí và cũ kỹ nhất. Tôi bảo: “Vì tình yêu mến Chúa”, vì tự nhiên mà xét, lại thêm tính nghệ sĩ, Chị thích những gì hợp sở thích hơn… Một hôm tôi đánh bẩn chiếc đồng hồ cát của Chị93. Tôi nhận ra Chị đã cố gắng để giữ nguyên như thế đồng thời tránh để tôi không thấy Chị phải chịu đựng điều tôi vô tình gây nên. Chị chẳng hề để ý xem y phục mặc có vừa hay không. Thật ra Chị không cẩu thả về cách ăn mặc, vẻ lôi thôi đó chỉ là dáng bên ngoài. Trong mọi sự, Chị càng sống sát với đức nghèo khó đích thực bao nhiêu thì Chị càng hài lòng bấy nhiêu, vì thế, Chị vá quần áo cho đến khi không thể dùng được nữa mới thôi. Vì luôn muốn giữ tinh thần nghèo khó như vậy, nên nếu có cuốn sách hay mẫu ảnh nào mép vàng, thì Chị cẩn thận cạo cho đến khi hết màu vàng mới thôi. Chiếc giỏ đựng đồ của Chị bắt đầu sờn và đứt chỉ. Một chị lấy miếng vải nhung cũ viền lại giúp Chị, vì loại nhung này không hay mòn. Mặc dù đang vội vã, Chị cũng tháo và lột mặt trái ra ngoài cốt để cho nó xấu và nghèo nàn hơn.

 

Một chị nhà tập bôi dầu lên hộp viết phòng Chị, hộp này màu nâu, nhưng đã bạc màu coi thật xấu xí. Chị liền xin đem đánh bàn chải cho sạch, Chị chỉ chịu dùng những đồ đã có sẵn trong phòng như khi Chị mới tới. Nhưng những đồ dùng này làm Chị cực lòng rất nhiều, và nếu là đồ riêng thì Chị đã cạo rửa đi từ lâu!

Khi tôi mới vào Dòng, Chị đem tặng cho tôi nào hộp viết, nào bình nước thánh, và Chị kiếm cho mình những đồ dùng đã phế thải trong phòng chứa đồ. Là mẫu mực cho chúng tôi theo trong mọi sự, Chị Têrêsa chỉ có những đồ thật cần thiết. Không những Chị từ bỏ tất cả mọi tiện nghi, mà cả những gì nhắc Chị nhớ tới tiện nghi nữa.

 

Ở trong Dòng, Chị có một chiếc kéo nhỏ loại con nít mà Chị đã đem từ ngoài vào, và chiếc kéo này thật bất tiện cho các việc Chị phải làm. Bao năm sống trong Dòng, Chị chỉ dùng một cái đèn dầu đã hỏng bộ phận lên bấc. Mỗi lần muốn đèn cháy to, lại phải lấy kim khêu bấc lên! Chị cứ vui vẻ dùng nó đến nỗi người ta tưởng Chị thích thú chiếc đèn này lắm. Khi cần dùng con dao nhỏ, nếu không có đủ thời giờ để đem trả lại phòng hoạ trước giờ ngủ, thì Chị để dao xuống đất ngay ngoài cửa để tỏ rõ ràng nó không thuộc về loại đồ thường dùng của Chị.

 

Chị cần một bình xịt để chữa cổ họng bị rát phỏng. Có thể dùng các loại chai lọ về việc này, nhưng Chị đã chọn một lọ sứt mẻ để dùng. Một hôm chẳng may vì sơ ý chai vỡ, Chị đi cáo mình trong giờ cáo lỗi, mặc dù tôi khuyên Chị không cần làm thế. Để viết bản tự thuật, Chị xin chị Léonie một cuốn vở hai xu loại giấy xấu:


Chị tưởng một cuốn là đủ, nên Chị tỏ ra thật ngỡ ngàng khi phải xin thêm cuốn nữa.
Còn về phần gởi cho Mẹ Maria de Gonzague, Chị viết trong lúc đau nặng nên Chị miễn cưỡng phải viết rộng rãi trên giấy ô vuông. Khi sáng tác thơ văn, Chị đã ghi trên những mẩu giấy đủ kiểu, thứ giấy vứt đi chẳng ai muốn nhặt. Vì vậy những bản nháp của Chị hầu như chẳng ai đọc nổi. Bút Chị dùng cho đến khi nào không viết được nữa mới thôi. Về cuối đời, Chị bắt buộc phải dùng sữa, nên Chị thường dùng chút sữa để ngâm bút và Chị bảo làm như vậy “để ngòi bút được dịu hơn”. Khi được khấn Dòng, Mẹ Agnès de Jésus vì sợ Chị Têrêsa đeo ảnh chuộc tội to nặng sẽ làm Chị bị đau, nên Mẹ lấy cây Thánh giá nhỏ hơn của Mẹ đưa cho Chị. Chị Têrêsa không giấu giếm tôi rằng điều đó làm Chị phải hy sinh vì Chị mong có một Thánh giá to hơn. Nhưng Chị không xin và cứ giữ tượng này suốt đời. Đó cũng là tượng Chị cầm tay trong lúc hấp hối.